SharePoint

Năm 2019, 30% dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội sẽ được cung cấp ở mức 4

13/02/2019 13:44
(TTCNTT) - Một mục tiêu của Kế hoạch CNTT TP.Hà Nội năm 2019 là 80% thủ tục hành chính của các Sở, ban, ngành, UBND quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn được cung cấp trực tuyến mức 3, 4; phấn đấu cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở mức 4.

Kế hoạch CNTT TP.Hà Nội năm 2019 vừa được Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung ký ban hành hôm qua, ngày 12/2. Kế hoạch hướng tới mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử; hình thành một số thành phần của Thành phố thông minh hướng tới xây dựng TP.Hà Nội thông minh bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển các khu CNTT tập trung trọng tâm của Thành phố.

Cũng theo Kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu cụ thể trong năm nay 100% các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến (giao ban trực tuyến) kết nối với UBND Thành phố và các Sở, ngành, UBND các quận huyện thị xã; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, sơ kết, tổng kết, tập huấn của Thành phố, phấn đấu 30% cuộc họp có nhiều thành phần tham dự để giải quyết công việc, họp giao ban định kỳ, các cuộc họp khác của các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đến cấp xã được trực tuyến; 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của Thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định.

Thành phố cũng đề ra các mục tiêu cụ thể khác cho hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn trong năm 2019 như: 50% các xã, phường, thị trấn có Trang/ Cổng TTĐT trên Cổng thông tin của quận, huyện, thị xã; 100% văn bản giao dịch giữa các cơ quan hành chính nhà nước của Thành phố dưới dạng điện tử (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); 80% thủ tục hành chính của các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, phấn đấu thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4; tối thiểu 50% số lượng các gói thầu hàng cạnh tranh, gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Năm 2019, Hà Nội cũng dự kiến tập trung phát triển từ 1 - 2 khu CNTT tập trung trọng điểm; đồng thời từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh như Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Giao thông và Du lịch Thông minh.

Để đạt được các mục tiêu kể trên, bên cạnh việc vạch rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được Thành phố tập trung triển khai trong thời gian tới, Hà Nội cũng thống nhất các nguyên tắc triển khai Kế hoạch theo hướng tổng thể, đồng bộ, sử dụng chung thống nhất một hệ thống; tiếp tục kế thừa, phát huy hiệu quả các kết quả đã triển khai, dần thay thế, tích hợp các ứng dụng nhỏ, lẻ; triển khai theo từng giai đoạn, chọn các đơn vị làm thí điểm, sau đó nhân rộng, ưu tiên các lĩnh vực liên quan đến cải cách hành chính và lĩnh vực dễ triển khai, nhiều người sử dụng, đảm bảo không làm gián đoạn các hoạt động cung cấp dịch vụ công cho người dân; ưu tiên hình thức thuê dịch vụ CNTT; tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác và tiếp thu kinh nghiệm, công nghệ mới của các nước, các tập đoàn CNTT hàng đầu trong và ngoài nước.

Trong năm 2018, về cung cấp DVCTT, số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội đã hoàn thành chỉ tiêu 55% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Tính đến cuối tháng 12/2018, Thành phố đã có 1.055 DVCTT trên tổng số 1.922 thủ tục hành chính, bao gồm 916 DVCTT mức 3 và 139 DVCTT mức 4.

Bên cạnh đó, việc triển khai, duy trì hoạt động của các DVCTT khai sinh liên thông theo Thông tư liên tịch 05 của liên Bộ Tư pháp, Công an, Y tế ngày 15/5/2015 và khai tử, giải quyết tuất và mai tang phí cũng đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Theo số liệu thống kê, sau hơn 1 năm triển khai, kinh phí tiết kiệm được khi sử dụng DVCTT khai sinh, khai tử là hơn 5,6 tỷ đồng.

Thực hiện Kế hoạch 68 ngày 17/3/2017 của UBND Thành phố về triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Nội, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm DVCTT mức 4 “Cấp bản sao trích lục hộ tịch” tại quận Long Biên, trong tháng 7/2018, Sở TT&TT và Sở Tư pháp đã tổ chức đào tạo, triển khai đến các xã, phường, thị trấn còn lại của Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, đồng thời chỉ đạo tổ chức triển khai thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí như Sở KH&ĐT, Sở Tư pháp, Sở Y tế và UBND quận Long Biên, tiến tới sẽ triển khai diện rộng biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn Thành phố.

 (Nguồn: ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây