SharePoint

Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ được thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá ATTT

03/08/2018 10:38
(TTCNTT) - Theo kế hoạch mới được phê duyệt, Trung tâm Tin học của Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì nhiệm vụ thường xuyên là phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin (ATTT) cho Trục liên thông văn bản quốc gia..

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây đã ký Quyết định 676/QĐ-VPCP phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Kế hoạch xác định 19 nhóm nội dung công việc sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ tại Quyết định 28 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong 19 nhóm nội dung công việc được đề ra tại Kế hoạch, có 13 công việc được triển khai tại Văn phòng Chính phủ và 6 công việc được triển khai với các bộ, ngành, địa phương.

Theo kế hoạch, bên cạnh việc thường xuyên phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin (ATTT) cho Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ cũng phân công cụ thể các đơn vị trực thuộc chủ trì các nội dung công việc khác sẽ được triển khai tại Văn phòng Chính phủ như: Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia; Hoàn thành hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phù hợp với Quyết định 28, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong Văn phòng Chính phủ; Xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành quy định mã định danh của các Vụ, cục, đơn vị phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị; Tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc và gửi, nhận văn bản điện tử tại Văn phòng Chính phủ; Hoàn thiện phần mềm lưu trữ phục vụ lưu văn thư điện tử...

Trong đó, để thực hiện xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu trước ngày 1/8/2018 phải hoàn thành: xây dựng yêu cầu kỹ thuật Trục liên thông văn bản quốc gia (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, báo cáo điện tử, thủ tục hành chính, công báo điện tử...), lập kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia”.

Trước ngày 6/9/2018, phải tổ chức ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu dự án “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia”. Ngày 6/9 cũng là thời điểm phải hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phù hợp với Quyết định 28, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong Văn phòng Chính phủ. Phần mềm lưu trữ phục vụ lưu văn bản điện tử sẽ phải được hoàn thành trước ngày 1/1/2019.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ là đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức quản lý, định kỳ sao lưu văn bản điện tử và phải đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thông tin, Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rõ, Chủ quản Trục liên thông văn bản quốc gia, chủ quản hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương phải xác định, phê duyệt cấp độ và tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Việc kết nối giữa hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia phải được mã hóa, xác thực theo tiêu chuẩn về an toàn thông tin tại Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước theo quy định của Bộ TT&TT.

Cũng theo Kế hoạch mới phê duyệt, một trong 6 nội dung công việc sẽ được Văn phòng Chính phủ triển khai với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới để thực hiện Quyết định 28 là tổ chức triển khai kết nối, liên thông tại các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật công nghệ.

Văn phòng Chính phủ cho biết, dự kiến có 10 bộ ngành và 15 địa phương đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật công nghệ, bao gồm các Bộ TT&TT, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, Công an, TN&MT, Y tế và các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Nam, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định 28, các bộ, ngành, địa phương đáp ứng yêu cầu về gửi, nhận văn bản điện tử sẽ thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định này, hoàn thành trước ngày 31/12/2018 và áp dụng chính thức kể từ ngày 1/1/2019.

Đối với các bộ, ngành, địa phương còn lại thực hiện kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm hoàn thành việc kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định 28 trước ngày 30/6/2019.

 (Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây