SharePoint

Nhân lực ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước vẫn hạn chế cả về lượng và chất

10/07/2018 17:20
(TTCNTT) - Theo nhận định của đại diện Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, một trong những tồn tại, hạn chế trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện nay là đội ngũ nhân lực ứng dụng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương vẫn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Chuyển biến tích cực

Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam mới đây đã phối hợp đánh giá và xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam năm 2017 với 3 khối gồm: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là lần đầu tiên có công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT phát triển CPĐT ở Việt Nam.

Việc đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2017 đã được đơn vị thực hiện báo cáo tiến hành trên 6 khía cạnh chính, bao gồm: hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng nội bộ; cơ chế chính sách cho ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT; cung cấp thông tin trên các Cổng/trang thông tin điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4; nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, thu nhập của cán bộ, công chức làm CNTT trong khối

nhà nước so với thu nhập cán bộ CNTT của các doanh nghiệp hiện vẫn chênh nhau khoảng 3-4 lần,

do đó việc duy trì đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT có chất lượng tốt trong

hệ thống nhà nước rất khó khăn (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trên cơ sở những kết quả thu được từ khảo sát nêu trên, trong chia sẻ tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2018 mới đây, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nhận định, ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT Việt Nam trong năm 2017 đã có chuyển biến tích cực.

Trong đó, về cung cấp DVCTT, ông Phúc cho biết, tính đến hết quý II/2018, các bộ, ngành có tổng số 1.575 DVCTT mức độ 3 và 4, gần gấp đôi so với năm 2016 và tỷ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt gần 39%. Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết quý II/2018 là 48.090, tăng hơn 4 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, ở khối tỉnh, thành phố, tỷ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến lại khá thấp, chỉ đạt 10,51%. “Đây chính là chỉ tiêu quan trọng, các địa phương cần phải phấn đấu trong những năm tới để nâng cao được chỉ số chất lượng dịch vụ”, ông Phúc lưu ý.

Đối với tiêu chí công khai thông tin trên Cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, theo đánh giá của người đứng đầu Cục Tin học hóa, những năm gần đây Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã thực sự là kênh thông tin chính thống, rất quan trọng để truyền tải các văn bản pháp luật, chính sách của nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp; và ngược lại qua đây, người dân, doanh nghiệp cũng kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động tra cứu, tìm hiểu các quy định, chính sách, kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên quan giúp cho việc tương tác giữa người dân và doanh nghiệp kịp thời, thuận tiện.

Số liệu báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT năm 2017 cho thấy, tính theo thang điểm 100, các Bộ đạt 81/100 điểm về cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử và điểm số của các tỉnh là 82/100.

Với ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước, đại diện Cục Tin học hóa cho hay, ứng dụng trong quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) là ứng dụng quan trọng nhất, đến nay 100% các Bộ, tỉnh đã có hệ thống QLVB&ĐH, trong đó tỉ lệ các bộ có hệ thống QLVB&ĐH dùng chung là gần 95% và ở các tỉnh là trên 73%. “Với việc sử dụng thư điện tử, công chức hiện nay đã tạo thành văn hóa sử dụng thư điện tử, trao đổi công việc hiện chủ yếu qua thư điện tử, không phải viết tay như trước. Tại các Bộ, tỉ lệ cán bộ thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc đạt gần 99% và tỉ lệ này ở các tỉnh là gần 83%”, đại diện Cục Tin học hóa nêu.

Về hạ tầng ứng dụng CNTT phục vụ CPĐT, số liệu khảo sát của Cục Tin hóa cho thấy, đến nay, 18/19 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có mạng WAN; số cơ quan kết nối vào mạng WAN đạt 95% với các Bộ, gần 78% với các cơ quan chuyên môn ở tỉnh và trên 80% với các quận/huyện. Cùng với đó, đã có 18/19 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố đã có Trung tâm dữ liệu (phòng máy chủ), trong đó có 12/18 bộ, ngành và  18/54 tỉnh, thành phố có thêm Trung tâm dữ liệu (phòng máy chủ) dự phòng nhằm đảm bảo an toàn thông tin tốt hơn.

Đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh: “Một điểm đáng mừng là, các Bộ, các tỉnh hiện đã triển khai công nghệ điện toán đám mây, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, có 12/19 bộ, ngành và 26/63 tỉnh, thành phố đã triển khai điện toán đám mây, trong đó 9/12 bộ, ngành và 19/26 tỉnh thành sử dụng cơ sở hạ tầng như một dịch vụ IaaS; 5/12 bộ, ngành và 13/26 tỉnh, thành sử dụng nền tảng trên một dịch vụ - PaaS”.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến phát sinh thấp, nhân lực ứng dụng CNTT hạn chế

Cũng trong tham luận tại hội thảo quốc gia về CPĐT 2018, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, đó là: nhiều cơ quan, nhất là tại các địa phương, tuy đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ trực tuyến; việc sử dụng các hệ thống thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống QLVB&ĐH; một số Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hệ thống phần mềm khác nhau, rời rạc nên chưa thực hiện gửi nhận văn bản liên thông, thậm chí một số nơi sử dụng chủ yếu trong việc gửi, nhận văn bản mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng; một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống nhiều nơi hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Người đứng đầu Cục Tin học hóa cũng cho biết một tồn tại, hạn chế lớn trong ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT tại Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực ứng dụng CNTT còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê, trung bình chỉ đạt 2,1 cán bộ chuyên trách CNTT trên 1 quận/huyện, trong khi phải triển khai ứng dụng, hướng dẫn triển khai tới cả cấp xã/phường.

“Trong bối cảnh các cơ quan nhà nước đang phải thực hiện tinh giản biên chế, cơ hội, điều kiện để các cơ quan, đơn vị tăng được cán bộ chuyên trách CNTT gần như là không thể. Ngay như Cục Tin học hóa-Bộ TT&TT mỗi năm cũng giảm 1-2 biên chế là chuyện bình thường, mấy năm nay đã giảm 14 người và chưa có cách nào tăng thêm được. Chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước hiện cũng còn hạn chế, một trong những lý do là vì thu nhập của cán bộ, công chức làm CNTT trong khối nhà nước so với thu nhập cán bộ CNTT của các doanh nghiệp chênh nhau khoảng 3-4 lần, việc duy trì đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT có chất lượng tốt trong hệ thống nhà nước rất khó khăn”, người đứng đầu Cục Tin học hóa chia sẻ.

Lý giải nguyên do của những tồn tại, hạn chế kể trên, theo phân tích của đại diện Cục Tin học hóa, các nguyên nhân chính gồm có: Kinh phí cho hoạt động ứng dụng CNTT chưa được bảo đảm thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được duyệt; kinh phí bố trí thường không đáp ứng nhu cầu, chưa kịp thời, không ổn định, chưa tương xứng với hiệu quả; Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu trong khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin đã được triển khai; Các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai; các hệ thống thông tin có quy mô toàn quốc đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trên diện rộng.

Mặt khác, những tồn tại, hạn chế trong ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT năm 2017 còn do một số văn bản tạo thuận lợi cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được ban hành, điển hình như Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước và đặc biệt là quy định pháp luật về lưu trữ điện tử.

Hoạt động cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiên về số lượng, chưa quan tâm tới chất lượng, hiệu quả; công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng DVCTT còn hạn chế … cũng là những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, tồn tại  trong công tác ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT tại Việt Nam.

 (Nguồn: http://ictnews.vn)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây