SharePoint

Nguy cơ mất ATTT đối với các hệ thống thông tin quan trọng của Việt Nam đang trở nên rõ nét hơn

28/06/2018 09:22
(TTCNTT)- Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, nguy cơ mất ATTT đối với các hệ thông thông tin quan trọng của Việt Nam trở nên rõ nét và cần sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, đặt biệt là chủ quản của các hệ thống thông tin.

Sáng 28/6, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị: “Bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin quan trọng” tại tỉnh Thanh Hóa.

Hội nghị được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế trong công tác bảo đảm ATTT, phòng và chống tấn công mạng vào các hệ thống thông tin quan trọng của 11 lĩnh vực quan trọng đặc biệt là các hệ thống điều khiển công nghiệp (SCADA/ICS) và hệ thống quan trọng của tổ chức tài chính - ngân hàng.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia quốc tế uy tín và các chuyên gia hàng đầu trong nước thuộc lĩnh vực ATTT cũng như sự tham gia của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chủ quản hệ thống thông tin, đơn vị trực tiếp vận hành, khai thác các hệ thống thông tin quan trọng, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực ATTT.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, thời gian gần đây, tình hình an toàn thông tin trên thế giới diễn biến phức tạp với nhiều cuộc tấn công  mạng có quy mô lớn. Trong đó, xu hướng tấn công mạng  có chủ đích vào hệ thống thông tin quan trọng trong các lĩnh vực: năng lượng, y tế, viễn thông, giao thông, dầu khí… xảy ra thường xuyên hơn, tinh vi hơn và gây những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Trước xu thế đó, nguy cơ mất ATTT đối với các hệ thông thông tin quan trọng của Việt nam trở nên rõ nét trong bối cảnh năng lực, kinh nghiệm và hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức này còn hạn chế. Trong khi đó, các công cụ tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng chuyên nghiệp có chuyên môn rất cao, đầu tư lớn và bài bản. Vấn đề này rất cần sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, đặt biệt là chủ quản của các hệ thống thông tin quan trọng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, công tác đảm bảo ATTT nói chung và ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng nói riêng đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ trong thời gian qua. Xác định bảo đảm ATTT quốc gia trước tiên phải bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng, Bộ TT&TT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 Ban hành Danh mục lĩnh vực cần ưu tiên bảo đảm ATTT mạng và Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Trong đó xác định 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên đảm bảo ATTT và tập trung vào các hệ thống, thông tin quan trọng quốc gia của các lĩnh vực đó.

Bộ TT&TT đang phối hợp với các Bộ, ngành là cơ quan chủ trì lĩnh vực quan trọng, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia khẩn trương, tích cực triển khai các hoạt động nâng cao nhận thưc, trách nhiệm và năng lực kỹ thuật nhằm tăng cường bảo đảm ATTT cho các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng: “Bảo đảm ATTT cho các hệ thống điều khiển công nghiệp, hệ thống thông tin quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng là vấn đề khó, chuyên sâu về kỹ thuật đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ TT&TT đã mời các chuyên gia quốc tế uy tín và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ATTT tham gia hội nghị này”.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lưu ý hội nghị cần tập trung vào thảo luận và chia sẻ các vấn đề có liên quan trong hoạt động bảo đảm ATTT cho hệ thống thông tin quan trọng; từ đó nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các biện pháp, giải pháp nâng cao năng lực bảo đảm ATTT cho cơ quan, tổ chức của mình, góp phần vào công tác bảo đảm ATTT quốc gia nói chung.

Khẩn trương rà soát, hoàn thành việc xác định và xây dựng phương án bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin cấp độ 4, cấp độ 5 trước tháng 11/2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, rà soát, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế. Các biện pháp bảo đảm ATTT cần tối thiểu đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930 năm 2017.

Ngoài ra, phải kiện toàn, không ngừng nâng cao năng lực hệ thống đơn vị chuyên trách về ATTT với sự tham gia của Cục ATTT, trung tâm VNCERT và các tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, cảnh báo sớm nguy cơ mất ATTT mạng trên toàn hệ thống.

Cũng tại hội nghị, ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Hiện nay tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh, đang triển khai đề án xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh, trong đó đã đặc biệt chú trọng xây dựng Trung tâm điều hành an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, xác định các cấp độ cho các hệ thống thông tin và kế hoạch ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng trung tâm đào tạo nhân lực về an toàn thông tin của tỉnh nhằm đảo bảo an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.

Việc Bộ TT&TT tổ chức hội nghị bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng tại tỉnh Thanh Hóa là một cơ hội tốt để các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo, các hội nghề nghiệp của tỉnh có dịp trao đổi, nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tấn công mạng vào các hệ thống CNTT nói chung và các hệ thống thông tin quan trọng nói riêng.

Ngay trước đó, chiều ngày 27/6, với mục tiêu góp phần nâng cao năng lực phòng chống, xử lý ứng phó với các sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin quan trọng, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức diễn tập an toàn thông tin mạng “Nâng cao năng lực xử lý tình huống tấn công mạng vào hệ thống công nghiệp và tài chính quan trọng”, với sự tham dự của các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của 17 cơ quan nhà nước, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tài chính, ngân hàng TMCP và một số cơ quan có liên quan trong lĩnh vực điều khiển công nghiệp (SCADA/ICS) và tài chính - ngân hàng.

(Nguồn: Ictnews.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây