SharePoint

Luật An ninh mạng sẽ có chế tài xử lý người lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân

07/09/2017 14:36
(TTCNTT)- Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Luật An ninh mạng (bao gồm 6 Chương, 64 Điều) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Một trong những nguy cơ đe dọa an ninh mạng hiện nay là thông qua không gian mạng. Các thế lực chống phá thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức khác nhau, và không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho các âm mưu đó.

Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng (Nguồn: Quân đội nhân dân)

Hiện chúng ta đã ban hành một số đạo luật tương đối đầy đủ về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin trên mạng. Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý những tin độc hại như thời gian vừa qua thì hệ thống pháp lý của chúng ta còn bộc lộ một số hạn chế. Từ đó cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng một đạo luật riêng về an ninh mạng, phân công trách nhiệm cụ thể của các bộ, ban, ngành, kết hợp chặt chẽ việc ngăn chặn, phát tán những thông tin độc hại trên mạng xã hội.

Để đáp ứng điều này, Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Luật An ninh mạng (bao gồm 6 Chương, 64 Điều) trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Một trong những điểm nổi bật của Dự thảo là quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7). 
Cụ thể, Dự thảo Luật An ninh mạng nghiêm cấm sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng; Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu; Tấn công mạng; Khủng bố mạng.

Về xử lý, Dự thảo Luật An ninh mạng quy định xử lý các thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng. Cụ thể, Nhà nước xây dựng không gian mạng lành mạnh; thực thi chính sách quản lý, ngăn chặn đăng tải, hiển thị, gỡ bỏ và xử lý trách nhiệm của người đăng tải thông tin chống Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm nhục, vu khống, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là xử lý nội dung thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; Truyền bá tư tưởng phản động; Xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; Bịa đặt hoặc lan truyền, tán phát những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân; Hướng dẫn, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật;Thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Về xử lý thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng, theo đó sẽ yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết; Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin; Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin.
Theo Dự thảo, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn việc lan truyền thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Sẽ trình UBTV Quốc hội dự án Luật An ninh mạng tại kỳ họp tới

Sáng 1/9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật An ninh mạng tại phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức.

Cho ý kiến về dự án luật, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng.

Các ý kiến này cho rằng, không gian mạng là môi trường dễ bị các loại đối tượng tấn công hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Việc ban hành Luật An ninh mạng không chỉ xây dựng cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế đã ký kết hoặc tham gia.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị dự án luật, hồ sơ tương đối đầy đủ; hoan nghênh Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực, chủ động để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án luật.

Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án rất khó, liên quan đến môi trường mạng, nhiều nội dung mới phức tạp, nên cần nghiên cứu kỹ. Nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan đến Hiến pháp và nhiều luật, pháp lệnh khác. Do đó, cần rà soát kỹ, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, không trùng lặp với các luật khác. Trong đó, điều quan trọng là phải phân định được sự khác nhau trong nội hàm giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu ý kiến, dự thảo luật cần phân định thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Điều 31 dự thảo luật có quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng chủ trì phòng, chống chiến tranh mạng; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan áp dụng biện pháp tương xứng, phù hợp.

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để tiếp thu, giải trình. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sắp tới./.

(Nguồn: toquoc.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây