SharePoint

Tọa đàm về xây dựng Luật CNTT

14/08/2017 22:13
(TTCNTT)- Vào lúc 14h ngày 15/8/2017, Bộ TT&TT sẽ có buổi tọa đàm góp ý xây dựng Luật CNTT. Đây là dịp để Bộ TT&TT tham khảo ý kiến đánh giá toàn diện, đa chiều của các chuyên gia, các doanh nghiệp về Luật CNTT và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm này sẽ có sự tham gia của các hội và hiệp hội như Hiệp hội Internet, Hội tin học, Hội truyền thông số, Vinasa, các chuyên gia CNTT, các doanh nghiệp ICT như Viettel, VNPT, FPT, CMC, Nhaccuatui, DTT… và đại diện nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự kiện này cũng có sự tham gia của hơn 30 cơ quan truyền thông. Tọa đàm này nằm trong khuôn khổ chương trình tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT. Trước đó, Bộ TT&TT đã phát đi thông điệp mong muốn được lắng nghe một cách thẳng thắn, đa chiều của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước, giới truyền thông… đánh giá về 10 năm thi hành Luật CNTT và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý để phát triển lĩnh vực CNTT mạnh mẽ.

CNTT đã dần trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp ngày càng lớn cho GDP

Theo Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), Luật CNTT là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNTT được thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 điều chỉnh một cách toàn diện hoạt động CNTT cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong 10 năm triển khai Luật CNTT và các chính sách của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực CNTT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. CNTT đã dần trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Ứng dụng CNTT được triển khai tương đối rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Công nghiệp CNTT, đặc biệt ngành phần mềm Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới như một trong số các nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Hạ tầng, nhân lực cũng như hệ thống luật pháp, chính sách về ứng dụng, phát triển CNTT ngày càng được hoàn thiện.

Vụ Công nghệ thông tin cho biết, hiện nay, thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Bên cạnh đó, bản thân ngành CNTT cũng đang có những xu hướng phát triển mới, với sự hội tụ giữa các ngành điện tử, viễn thông và CNTT, sự chuyển dịch từ mua bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ CNTT, sự bùng nổ của các xu hướng công nghệ như S.M.A.C, Internet cho vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), thiết bị thông minh hóa “smart”. Các mô hình phát triển và ứng dụng CNTT mới được hình thành như hệ sinh thái CNTT, hỗ trợ sáng tạo dựa trên khai thác dữ liệu, phát triển phần mềm dựa trên trí tuệ cộng đồng (crowdsource), ứng dụng CNTT để tối ưu hóa các hoạt động kinh tế, xã hội, quản lý, điều hành như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh… Đặc biệt là xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò quan trọng là thành tựu của lĩnh vực CNTT.

Vụ Công nghệ thông tin còn cho biết, ngoài các ý đánh giá về việc 10 năm thực hiện Luật CNTT, Bộ TT&TT cũng mong muốn lắng nghe ý kiến của  của cộng đồng, các doanh nghiệp, các chuyên gia… kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý CNTT với những đề xuất các mục tiêu, quan điểm, và nguyên tắc của việc hoàn thiện khung pháp lý về CNTT giai đoạn tới nhằm tạo đột phá trong ứng dụng và phát triển CNTT. Thậm chí các ý kiến có thể đề cập đến vấn đề nên sửa Luật CNTT hay xây dựng thành các Luật riêng lẻ để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực của CNTT, chẳng hạn như: Luật phát triển Chính phủ điện tử; Luật thúc đẩy phát triển công nghiệp phần mềm; Luật thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, các ý kiến có thể đề xuất các văn bản cần nghiên cứu xây dựng và ban hành nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về CNTT phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của CNTT trong giai đoạn tới; đón đầu xu thế công nghệ, đặc biệt là tận dụng được xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế phát triển kinh tế số; thành phố thông minh.

(Nguồn: itcnews)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây